Bơ Booth là gì?
Tại Việt Nam, miền núi Đắk Lắk là vùng đất đỏ bazan màu mỡ, khí hậu ôn hòa cực kỳ thích hợp cho loại cây này phát triển và cho năng suất cao. Ở Đắk Lắk hiện có hàng trăm loại bơ với độ dinh dưỡng cao, mỗi loại mang mỗi hương vị và đặc điểm khác nhau. Mà trong số đó, loại được ưa chuộng nhất vẫn là loại bơ sáp, dẻo và béo. Tuy nhiên, vì bơ sáp thông thường chỉ ra trái vào khoảng thời gian từ tháng 07 đến tháng 09 hằng năm. Vì thế, để đáp ứng cho nhu cầu của người dân, Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam đã đưa về trồng thử nghiệm loại bơ sáp Booth có nguồn gốc từ Châu Mỹ. Thời điểm thu hoạch của bơ Booth là vào mùa thu và mùa đông, từ tháng 09 đến tháng 11, trễ hơn so với các loại bơ khác 01-02 tháng và phải mất từ 04-10 ngày thì bơ mới chín kể từ lúc hái trên cây xuống.
Tại Việt Nam bơ Booth thường được gọi là bơ bút hoặc bơ búc. Thực tế tên chính xác của giống bơ này là bơ Booth, được đặt theo tên của người có công lai tạo và đem giống bơ này đến với thị trường là ông Will Booth.
Bơ Booth được phân biệt thành 8 loại giống chính được đặt tên từ 1 đến 8 tương ứng như sau: Booth 1, Booth 2, Booth 3, Booth 4, Booth 5, Booth 6, Booth 7 và Booth 8. Mỗi loại bơ Booth có hình thái bên ngoài khác nhau (quả tròn hoặc hơi bầu và nhọn ở phần cuống) nhưng chúng đều có đặc điểm chung là vỏ dày xanh bóng khi cắt có cảm giác hơi sạn, quả chín màu xanh, cơm vàng, khô dẻo, độ béo cao, vỏ và hạt rất dễ tách.
Tại Việt Nam qua thử nghiệm và đánh giá, chỉ có 3 giống bơ trong 8 giống kể trên có khả năng thích nghi tốt với khí hậu và đạt năng suất cao là: Giống bơ Booth 5, Giống bơ Booth 7 và Giống bơ Booth 8. Đặc biệt đối với khu vực miền núi Đắk Lắk, giống bơ Booth 7 là loại thích nghi nhất với khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây. Nhờ khả năng thích nghi tốt và mang lại hiệu quả cao mà giống bơ bút 7 đã được nhân giống và trồng ở khắp các tỉnh thuộc miền núi Tây Nguyên. Là loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân tại khu vực này.